Giới thiệu văn bản Dư_địa_chí

Tập sách Dư địa chí hiện đang lưu truyền là bản được khắc in năm Mậu Thìn (1868), dưới triều vua Tự Đức. Nội dung sách gồm 54 mục (không xếp thành chương hay phần), trình bày về vị trí địa lý, hình thế sông núi, lịch sử, thổ nhưỡng, đặc sản, một số nghề thủ công truyền thống và tập quán của cư dân các đạo. Một số mục kèm theo tên gọi (địa danh) và một số đơn vị hành chính như: phủ, huyện, xã, thôn thuộc các đạo.

Về cách viết, tác giả theo đúng phép chính danh của Khổng Tử, tức là dùng thật ít chữ, mà từng chữ phải được lựa chọn, cân nhắc [10].

Tuy nhiên, bản sách ấy không còn đúng nguyên tác, vì đã được những người đời sau sửa chữa và thêm vào nhiều lần. Có thể thấy điều rõ đó ở trong sách, ví dụ như những địa danh Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc...không có ở thời Nguyễn Trãi; hay các việc như Trịnh Tráng sai sứ sang nhà Minh cầu phong, chúa Trịnh Sâmchúa Nguyễn đi đánh dẹp, v.v...đều xảy ra sau thời Nguyễn Trãi...Ngoài ra, theo GS. Hà Văn Tấn, thì Dư địa chí có một sai lầm về việc định vị các vùng. Chẳng hạn đã chép rằng trấn Hưng Hóa, phía nam giáp Nghệ An; hay Nghệ An phía tây giáp Vân Nam; hoặc một vài chỗ lầm lẫn khác như cho rằng đất Hưng Hóa là đất Nam Trung, chỗ Mạch Hoạch đánh nhau với Khổng Minh; hay Tuyên Quang là đất Việt Tuấn (thật ra, Nam Trung và Việt Tuấn đều là đất của Trung Quốc). Và cũng theo ông, thì sách còn có một số sai lầm khác, như cho rằng Triệu Quang Phục đóng đô ở Chu Diên, Trưng Vương đặt quốc hiệu là "Hùng Lạc"...; và đã chép câu chuyện "Tô Huệ dệt gấm hồi văn" của Trung Quốc lẫn với chuyện "Tô Thị vọng phu" của Việt Nam, chép câu chuyện người đàn bà Sa Nhất của vùng Ai Lao thời Hán ở Vân Nam lẫn với nước Lào, v.v...Vì vậy, khi nghiên cứu và sử dụng cần phải thận trọng...[11]